Tưởng niệm và ghi công Chiến_dịch_Đông_Carpath

Bảo tàng

Đài tưởng niệm chiến binh Xô Viết tại nghĩa trang dưới chân đèo Dukla

Ngày 8 tháng 5 năm 1955, CHXHCN Tiệp Khắc khánh thành bảo tàng khởi nghĩa Slovakia ở Banská Bystrica, vốn là thủ phủ của vùng giải phóng do quân khởi nghĩa kiểm soát. Ngày nay, bảo tàng Banská Bystrica là Bảo tàng quốc gia Slovakia. Nhiều kiện vật còn lưu giữ được của cuộc khởi nghĩa đã được trung bày tại đây gồm các xe tăng, pháo, súng cao xạ, xe bọc thép, máy bay, đoàn tàu bọc thép, các vật dụng, trang bị, đồ dùng cá nhân, trang phục... của quân khởi nghĩa Slovakia. 66.956 bộ sưu tập và hiện vật lẻ đã được trưng bày. Trong kho lưu trữ của bảo tàng vẫn còn 136.157 và hiện vật lẻ đang chờ được thẩm định và kết luận. Trong bảo tàng có một nhóm tượng đài có tính biểu tượng do Dušan Kuzma thiết kế và chỉ huy thi công. Bảo tàng này cũng có một thư viện khá lớn với 20.000 đầu sách.

Năm 1964, tại quận Svidník ở Đông Bắc Slovakia, một bảo tàng khác đã được nhà nước Tiệp Khắc khánh thành trong khu vực đèo Dukla để kỉ niệm sự kiện những người chiến sĩ của Quân đoàn Tiệp Khắc 1 từ Liên Xô trở về chiến đấu để giải phóng Tiệp Khắc. Đây là một bảo tàng ngoài trời với nhiều hiện vật còn lưu giữ được và phục chế có liên quân đến các trận đánh từ ngày 8 tháng 9 đến 28 tháng 10 năm 1944 xung quanh khu vực đèo Dukla giữa quân đội Liên Xô, Tiệp Khắc với quân đội Đức Quốc xã.

Kiến trúc và điêu khắc

Đài kỷ niệm sự kiện trở về Tổ quốc của Quân đoàn Tiệp Khắc 1 dưới chân đèo Dukla

Năm 1961, tại đèo Dukla, nơi các chiến sĩ của Quân đoàn Tiệp Khắc 1 đặt những bước chân đầu tiên lên đất nước mình trên con đường giải phóng Tiệp Khắc khỏi ách phát xít, một tượng đài lớn bằng đá granit do kiến trúc sư Ján Kulich đã được dựng lên để kỷ niệm sự kiện trở về Tổ quốc của Quân đoàn Tiệp Khắc 1. Gần đó là một tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô ngã xuống trong các trận đánh ở khu vực đèo Dukla cũng được dựng lên, trở thành trung tâm của nghĩa trang dành cho quân nhân Liên Xô. Hai bên đài tưởng niệm trung tâm là hai cụm tượng đài nhỏ mô tả các chiến sĩ Liên Xô, Tiệp Khắc và quân du kích Slovakia. Xung quanh tượng đài trang trí các bức phù điêu mô tả cuộc chiến đấu của các lực lượng du kích Liên Xô và Tiệp Khắc tại Slovakia trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, hài cốt của những chiến binh Liên Xô đã được di dời về Nga và các nước SNG nhưng tượng đài vẫn được duy trì.

Tại làng Nemecká thuộc quận Brezno, một tượng đài đã được dựng lên để tưởng niệm hơn 400 nạn nhân bị các đơn vị xung kích SS (Đức) giết hại từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945.

Điện ảnh

Bảo tàng khởi nghĩa Slovakia 1944 tại Banská Bystrica

Tháng 8 năm 1944, các nhà điện ảnh Tiệp Khắc là Paľo Bielik, Karol Krška, J. Plavec, V. Richter và A. Sekula đang làm bộ phim "Hanka sa vydáva" với các cảnh quay ở hiện trường tại Brezno và Banská Bystrica thì cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Thay vì tháo chạy, họ quyết định ở lại. Đoàn làm phim này đã ghi lại được nhiều hình ảnh trực tiếp và quý giá về cuộc khởi nghĩa Slovakia. Sau chiến tranh, những hình ảnh này đã được Paľo Bielik tập hợp lại thành bộ phim tài liệu "Tiến tới tự do" (Za svoboda). Một số hình ảnh đắt giá do đoàn làm phim này ghi được về cuộc khởi nghĩa cũng được sử dụng trong bộ phim "Giải phóng Tiệp Khắc" (Oslobodené Československo) của đạo diễn V. Kopalino. Phóng viên điện ảnh chiến trường Xô Viết Mikhail Mojsejevič Glider cũng ghi được một số hình ảnh hoạt động của những người khởi nghĩa tại Banská Bystrica trong các chuyến công tác bằng máy bay. Trong thời gian tồn tại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, có 7 bộ phim tài liệu về cuộc khởi nghĩa Slovakia đã được sản xuất. Bên cạnh đó, 20 bộ phim truyện về đề tài khởi nghĩa Slovakia đã được Tiệp Khắc (cũ) dàn dựng. Trong có một số bộ phim nổi tiếng như "Vlčie diery" (1948) giành được 8 giải thưởng quốc gia, "Polnočná omša" (1962), "Organ" (1964), Quảng trường Thánh Elizabeth (1965) dự theo tiểu thuyết cùng tên của Rudolf Jašík, "Zvony pre bosých" (1969), "Thời đại lớn" (1978) của Štefan Uher, "Tấn công kẻ thù" (2006)...

Đài tưởng niệm những nạn nhân bị phát xít Đức tàn sát ở làng Nemecká thuộc quận Brezno

Sự kiện chiến dịch Đông Carpath và khởi nghĩa Slovakia đã được nhà điện ảnh Xô Viết Yury Ozerov tái hiện trong tập 3 của loạt phim "Những chiến sĩ của tự do", được coi là phần tiếp theo của loạt phim "Giải phóng" do chính ông là tác giả đã ra đời trước đó. Cả hai bộ phim đều dựa theo các sự kiện được ghi lại trong cuốn "Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh" của đại tướng Sergei Matveyevich Shtemenko, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Cục trưởng cục tác chiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Văn học, khoa học và sinh hoạt văn hóa

Hàng chục tác phẩm văn học đã đề cập đến dề tài cuộc khởi nghĩa Slovakia như "Cái chết trên núi" (1947) của Vladimír Mináč, "Cây thập tự" (1947) của Peter Jilemnický, "Giờ và phút" (1956) của Alfonz Bednár, tiểu thuyết bộ ba "Majstri" (1976), "Muškát" (1977) và "Vilma" (1979) của Vincent Šikula. Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ của cả Liên Xô và Tiệp Khắc đã viết nhũng cuốn hồi ký về đề tài chiến dịch Carpath-Dukla.

Trong các dịp kỷ niệm 30 năm (1974), 40 năm (1984), Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc và Viện Hàn lâm khoa học Praha tổ chức các cuộc hội thảo khoa học lịch sử về cuộc khởi nghĩa Slovakia. Chiều ngày 4 tháng 10 năm 2008, Chính phủ Slovakia đã tổ chức một buổi lễ trang trọng để tưởng niệm các liệt sĩ Hồng quân và quân đội Tiệp Khắc đã hi sinh trong các trận đánh tại khu vực Carpath - Dukla. Tổng thống Slovakia Ivan Gasparovic đã tham dự buổi lễ này.[50] Ngày 4 tháng 10 năm 2011, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Praha, một buổi giao lưu do "Câu lạc bộ Nga" ở Tiệp Khắc được tổ chức để kỷ niệm 67 năm sự kiện quân sự tại Carpath - Dukla.[51]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Đông_Carpath http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://www.dynamiclink.com/dukla/dukla_operation.h... http://www.historytoday.com/martin-d-brown/soe-and... http://ua-reporter.com/novosti/39115 http://www.youtube.com/watch?v=YdBQEMTU66o http://www.fronta.cz/pics/clanky/honza/dukla_plan....